Kính gửi: - Cục Thuế tỉnh Nam Định
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 252/CT-TTKT3 ngày 21/01/2020 của Cục Thuế tỉnh Nam Định về chính sách thuế của Công ty TNHH Smart Shirts Gannents Manufacturing Bảo Minh. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc kê khai thuế GTGT đối với hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa
a) Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về thuế GTGT như sau:
+ Tại Điều 2 quy định đối tượng chịu thuế như sau:
“Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.”
+ Tại Điều 3 quy định về người nộp thuế như sau:
“6. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Ví dụ 1: Công ty TNHH Sanko là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH Sanko còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH Sanko phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh Công ty TNHH Sanko thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH Sanko sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.”
b) Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) hướng dẫn về các loại hóa đơn như sau:
“2. Các loại hóa đơn:
a) Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Ví dụ:
…- Doanh nghiệp C là doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa và bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”; khi hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam), Doanh nghiệp C không cần lập hóa đơn bán hàng.”
c) Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 của Chính phủ.
d) Tại Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
“Điều 30. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.
Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.
7. Doanh nghiệp chế xuất khi được phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.”
3. Đối với hàng hóa mua, bán giữa DNCX với doanh nghiệp nội địa
DNCX doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo loại hình tương ứng quy định tại Điều 86 Thông tư này.”
đ) Tại khoản 36 và khoản 52 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hướng dẫn:
“36. Điều 56 được sửa đổi bổ sung như sau:
…2. Thủ tục thông báo hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công
a) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân:
Trước khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc phục vụ hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công cho Chi cục Hải quan quản lý nơi đã thông báo cơ sở sản xuất theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 21, mẫu số 22 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc theo mẫu số 18/TBHĐGC/GSQL phụ lục V ban hành kèm Thông tư này. Hệ thống tự động tiếp nhận và phản hồi số tiếp nhận hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công.”
…
52. Điều 76 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 76. Thủ tục hải quan đối với trường hợp DNCX thuê doanh nghiệp nội địa gia công, DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa, DNCX thuê DNCX khác gia công, DNCX thuê nước ngoài gia công
…2. Hàng hóa do DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa:
a) Doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo quy định về đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài tại mục 1 và mục 3 Chương III Thông tư này. Riêng về địa điểm làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp nội địa được lựa chọn thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX…
b) DNCX không phải làm tục hải quan khi nhận hàng hóa từ nội địa để gia công và trả lại sản phẩm gia công vào nội địa….”
e) Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên, đề nghị Cục Thuế tỉnh Nam Định phối hợp với Cơ quan Hải quan có liên quan xác định trường hợp, Công ty TNHH Smart Shirts Gannents Manufacturing Bảo Minh là doanh nghiệp chế xuất nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa:
- Nếu hoạt động gia công của Công ty TNHH Smart Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 7 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ thì Công ty phải kê khai, nộp thuế GTGT và lập hóa đơn GTGT với thuế suất thuế 10% đối với doanh thu từ hoạt động gia công nêu trên.
- Nếu hoạt động gia công của Công ty TNHH Smart Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh không thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 7 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ thì doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo quy định về đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, Công ty TNHH Smart Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh sử dụng hóa đơn bán hàng khi nhận tiền gia công, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ tài chính (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính).
2. Chính sách thuế đối với hoạt động cho doanh nghiệp nội địa vay tiền và hoạt động vay tiền của doanh nghiệp nước ngoài.
a) Tại Khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định về nguyên tắc ấn định thuế:
“2. Cơ quan quản lý thuế ấn định số thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp.”
- Tại điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/111/2006 quy định người nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định thuế trong trường hợp:
“e) Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;”
b) Tại tiết b Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau:
“b) Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi; biếu, tặng, cho; tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hoá, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi; biếu, tặng, cho; tiêu dùng nội bộ.”
c) Tại Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
…
b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.”
d) Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”
đ) Căn cứ hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính về thu nhập chịu thuế TNDN.
e) Tại Khoản 3 a Điều 20 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 quy định:
“a) Khai thuế đối với trường hợp nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu là loại khai theo lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài và khai quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu.”
g) Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên:
- Về thuế giá trị gia tăng: Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Từ năm 2017 đến năm 2018, Công ty TNHH Smart Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh cho Công ty TNHH DT Ý Yên vay tiền không tính lãi suất thì đây là hoạt động cho vay vốn không theo giá giao dịch trên thị trường nên khoản vay này thuộc diện bị cơ quan quản lý thuế thực hiện ấn định theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006QH11.
- Về thuế nhà thầu:
Đề nghị Cục Thuế tỉnh Nam Định căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên và tình hình thực tế tại doanh nghiệp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Thuế tỉnh Nam Định được biết./.