QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THUẾ NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: CÔNG TY TNHH HẠNSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 1 VSIP II-A đường số 17, KCN Việt Nam - Singapore, Phường Vĩnh Tân, Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Mã số thuế: 3702353788

 
Cục Thuế tỉnh Bình Dương nhận được văn bản số 01/CV/2024-HANSUNG ngày 01/04/2024 của CÔNG TY TNHH HANSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM (viết tắt “Công ty”) về việc thuế nhà thầu nước ngoài. Qua nội dung văn bản của Công ty, Cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (có hiệu lực BÌNH DƯƠNG thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020) quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế:

“Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.”;

1/ Đối với thuế nhà thầu nước ngoài

Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam (gọi tắt là thuế nhà thầu):

+ Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 1. Đối tượng áp dụng

Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.

+ Tại khoản 3 khoản 4 Điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định:

Điều 2. Đối tượng không áp dụng

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.

Ví dụ 4:

Công ty H của Hongkong cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty A ở Việt Nam. Công ty A phải trả cho Công ty H phí dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong.

Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng Hongkong là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hongkong nên không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.

Ví dụ 5:

Tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ chuyên môn, quản lý và phát hành trái phiếu, tư vấn pháp lý, đại lý lưu ký, tổ chức roadshow (một hoạt động thuộc mảng kích hoạt thương hiệu) cho Công ty A ở Việt Nam tại các nước mà Công ty A phát hành chứng chỉ GDR (Global Depositary Receipt - chứng chỉ lưu ký toàn cầu) và trái phiếu quốc tế thì các dịch vụ này do tổ chức nước ngoài thực hiện không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:

- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;

- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);

Ví dụ 6:

Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Trường hợp tổ chức ở Singapore thực hiện quảng cáo sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trên internet thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.

- Xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;

Ví dụ 7:

Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng thuê doanh nghiệp ở Thái Lan thực hiện dịch vụ môi giới để bán sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Thái Lan hoặc thị trường thế giới thì dịch vụ môi giới này của doanh nghiệp Thái Lan không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư; trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng thuê doanh nghiệp ở Thái Lan thực hiện dịch vụ môi giới để chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam thì dịch vụ môi giới này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và căn cứ văn bản của đơn vị, Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời theo nguyên tắc như sau:

Trường hợp nếu Công ty phát sinh chi phí kiểm tra chất lượng hàng ở nước ngoài thì dịch vụ này không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC nêu trên.

Trường hợp Công ty nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận với tổ chức Việt Nam để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng nghĩa vụ thuế dành cho nhà thầu nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC. 2/ Đối với chênh lệch tỷ giá cuối kỳ

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.21. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế).

Đối với khoản nợ phải thu và khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính vào chi phí được trừ là khoản chênh lệch giữa tỷ giá tại thời điểm phát sinh thu hồi nợ hoặc thu hồi khoản cho vay với tỷ giá tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời theo nguyên tắc như sau:

Trường hợp Công ty có phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ, thì các khoản chênh lệch tỷ giá này không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên.

Các vướng mắc liên quan đến hạch toán kế toán doanh nghiệp, đề nghị Công ty thực hiện theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Bình Dương được đăng tải trên trang điện tử: http://binhduong.gdt.gov.vn hoặc liên hệ Phòng Thanh - Kiểm tra số 4 (số điện thoại: 0274.3899678) để được hỗ trợ giải quyết.

Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời Công ty biết để thực hiện./.

THAM KHẢO
 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN STARTUP2S

VP 1: 54/132 Vũ Huy Tấn, Phường 03, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.