XÁC ĐỊNH DOANH THU ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TỰ DOANH CHỨNG KHOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ CHÊNH LỆCH GIẢM TÀI SẢN TÀI CHÍNH
Kính gửi: Công ty CP Chứng khoán Navibank
(Địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Handi Resco, số 521 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, MST: 0102751333)
Trả lời công văn số 03/2024/NVS/CV-CTHDQT đề ngày 29/02/2024 của Công ty CP Chứng khoán Navibank (gọi tắt là Công ty) về chính sách thuế TNDN (TNDN), Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Về việc xác định doanh thu đối với hoạt động tự doanh chứng khoán
- Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Tại khoản 1 điều 5 quy định về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
“Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền
…”
+ Tại điểm p, khoản 3 điều 5 quy định về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau:
“p) Đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán là các khoản thu từ dịch vụ môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, phát hành chứng chỉ quỹ, dịch vụ tổ chức thị trường và các dịch vụ chứng khoán khác theo quy định của pháp luật”
+ Tại khoản 1, điều 15 quy định về thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, phạm vi áp dụng
“Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.”
- Căn cứ Phụ lục số 2 Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho công ty chứng khoán (Ban hành kèm theo Thông tư số 334/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 sửa đổi, bổ sung và thay thế phụ lục 02 và 04 của Thông tư 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán) quy định.
“Phần giải thích nội dung, kết cấu tài khoản kế toán.
Hạch toán tài khoản 511- thu nhập cần tôn trọng một số quy định sau:
….
2. Thu nhập, doanh thu được phản ánh trên Tài khoản 511 - Thu nhập, bao gồm:
2.1. Thu nhập bán các tài sản tài chính tự doanh FVTPL được xác định là số chênh lệch giữa giá bán và giá vốn theo số lượng các tài sản tài chính FVTPL đã bán ra. Thu nhập bán các tài sản tài chính là thu nhập đã thực hiện;
….
- Căn cứ Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc Hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác
Tại Điều 2 quy định về giảm thuế TNDN:
“1. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ các quy định trên, doanh thu năm 2020 đối với hoạt động tự doanh chứng khoán được xác định để tính giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 là doanh thu từ hoạt động bán, chuyển nhượng chứng khoán phát sinh trong năm 2020.
2. Về việc đánh giá chênh lệch giảm tài sản tài chính
- Căn cứ Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài Chính
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
….
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
…
2.35. Các khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, kinh doanh chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
…”
- Căn cứ Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
+ Tại điểm c khoản 1 điều 5 quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư
“Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm nếu giá trị đầu tư thực tế của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán của doanh nghiệp bị suy giảm so với giá thị trường thì doanh nghiệp phải trích lập dự phòng theo các quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này và các quy định sau.... ”
+ Tại khoản 1, điều 3 quy định về nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng
“Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm
….”
- Căn cứ Thông tư số 24/2022/TT-BTC ngày 07/04/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Tại điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 1 điều 5 như sau:
“a) Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.
….”
Căn cứ các quy định trên, về nguyên tắc tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, nếu giá trị đầu tư thực tế của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán của công ty bị suy giảm so với giá trị thị trường thì công ty phải trích lập dự phòng theo quy định tại khoản 1 điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC, điều 1 Thông tư số 24/2022/TT-BTC ngày 07/04/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính. Khoản trích, lập và sử dụng dự phòng này nếu được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài Chính thì được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015.
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên và đối chiếu với tình hình thực tế của Công ty để thực hiện đúng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 8 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.